Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mùa thu đông

Đăng lúc: 11:26:59 04/10/2024 (GMT+7)

Tiết trời se lạnh cùng những cơn mưa báo hiệu mùa thu đông đã đến. Vào thời điểm này, nhiệt độ môi trường xuống thấp, cơ thể cần sử dụng năng lượng nhiều hơn cho việc giữ ấm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Không những vậy, vào mùa đông, các bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy…dễ dàng tấn công nếu trẻ không có một hệ miễn dịch tốt, nhất là các trẻ đang độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ vì sự tiếp xúc giữa các trẻ dễ dàng lây nhiễm từ trẻ bệnh sang trẻ khác. Để bảo đảm cả về dinh dưỡng lẫn năng lượng và góp phần tăng sức đề kháng cho trẻ, một chế độ dinh dưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng.

Muốn có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ trong mùa lạnh, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là phải cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính: chất bột đường, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất, đồng thời chú ý tăng cường hơn nữa nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng cao.

- Để cung cấp đầy đủ chất bột đường, ngoài việc ăn cơm như thông thường, chúng ta có thể thay đổi khẩu vị và cho trẻ ăn thêm bữa phụ như cháo, súp, bột, mì dạng phở…đặc biệt bí đỏ, khoai tây, khoai củ...đều rất tốt cho trẻ.

- Chất đạm là nguyên liệu tạo các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật, do đó cần lưu ý cung cấp cho trẻ các loại đạm cao năng lượng nhất là đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…

- Vitamin, đặc biệt là vitamin D: vì mùa thu đông thiếu ánh nắng mặt trời và thời tiết lạnh khiến trẻ ít khi ra ngoài nên việc tổng hợp vitamin D sẽ bị hạn chế. Do đó, cần bảm đảm trẻ vẫn được cung cấp vitamin D đầy đủ qua khẩu phần ăn. Nguồn vitamin D trong thực phẩm có thể kể đến là sữa, trứng, dầu cá… Ngoài ra, vitamin C và beta carotene có trong một số loại rau và trái cây là những chất chống oxi hóa, giúp cho các cơn cảm cúm nếu gặp phải sẽ nhẹ và mau khỏi hơn. Ăn nhiều các sản phẩm có chứa men vi sinh có lợi giúp bảo vệ khỏi sự nhiễm khuẩn, đặc biệt là đường hô hấp và tiêu hóa. Các món ăn giàu kẽm như cá, thịt gia cầm, trứng, hải sản … cũng có tác dụng tương tự như vậy.

- Chất béo có trong thịt mỡ, dầu, bơ...cũng hết sức cần thiết, chúng giúp hấp thu một số vitamin như A, D, E, K…có ích cho sự phát triển của các tế bào não và hệ thần kinh của bé.

Cũng cần lưu ý, việc cho trẻ ăn nhiều hơn vào mùa thu đông mà lại ít cho trẻ vận động là không tốt. Lượng calories, chất béo và đường bột được cung cấp nhiều hơn nhưng nếu không kèm với sự vận động sẽ dần hình thành nên thói quen xấu ở trẻ và tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là thừa cân béo phì.

Bên cạnh đó, có một số quan điểm cho rằng vào mùa lạnh nên cho trẻ dùng các gia vị cay nóng để làm ấm cơ thể, điều đó hoàn toàn không nên vì tất cả những gia vị cay, nóng đều tác động rất nhiều lên hệ tiêu hóa, mà niêm mạc dạ dày của trẻ rất mỏng nên khi dùng những gia vị đó sẽ gây hại cho niêm mạc, đường tiêu hóa của trẻ.

Tóm lại, tùy vào sở thích và thói quen ăn uống của trẻ mà các bậc phụ huynh cần linh hoạt trong việc xây dựng chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Cũng với những thực phẩm quen thuộc, các ông bố bà mẹ hãy biến tấu chúng thành những món ăn tuy lạ mà quen khiến bé nhà bạn vừa thích thú trong mỗi bữa ăn, vừa có được một nguồn dinh dưỡng hoàn thiện, để không khí gia đình bạn được thêm ấm áp và các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm cho sức khỏe của bé yêu trong mùa thu đông se lạnh.                                         

Khách hàng đang Online: 1
Tổng số truy cập: 21938